“Nhạn trắng Gò Công” Phương Dung kể kỷ niệm nhớ quê hương trong những năm đầu xa xứ
Saovacuocsong - Chân dung cuộc tình gửi đến khán giả chủ đề đặc biệt gợi nhớ những tình cảm đẹp đẽ về một miền quê yêu dấu. Chủ đề Một thoáng tình quê sẽ là những kỷ niệm êm đềm của danh ca Phương Dung và hai ca sĩ Xuân Nghi, Lê Vũ Phương cùng những ngày tháng sống cùng con người chân chất nơi đồng lúa chốn miệt vườn.
Khi nhắc đến những nữ ca sĩ nổi tiếng và có sức ảnh hưởng lớn trước 1975 người ta sẽ không khỏi không nhắc đến ca sĩ Phương Dung, người được mệnh danh là Nhạn trắng Gò Công, biệt danh mà thi sĩ Kiên Giang Hà Huy Hà tặng cho cô. Phương Dung được xem là một trong những giọng ca vàng của dòng nhạc trữ tình, bolero.
MC Minh Đức cùng danh ca Phương Dung
Trong Chân dung cuộc tình, danh ca Phương Dung nhớ về vùng quê Gò Công (nay là tỉnh Tiền Giang): “Đi qua nhiều nơi trên thế giới nhưng không nơi nào cho tôi cảm xúc bằng chính nơi tôi sinh ra. Tôi nhớ những ngày Tết, lễ hội cúng cá Ông, người nông dân thu lúa vào tháng 12 để đập bồ, giã gạo. Cháo vịt Gò Công là món ăn tôi yêu thích nhất, ngoài ra còn có mắm con còng lột, mắm tôm chà, tôm chua, ăn kèm thịt ba chỉ luộc, khế, chuối chát, rau... Những năm xa xứ, mỗi lần thấy trên tivi hình ảnh làng quê, nước mắt tôi rơi vì không biết bao giờ trở lại. Siêu thị nước ngoài, nguy nga đồ sộ mặt hàng nhưng không bằng phiên chợ quê”. Danh ca Phương Dung nhớ những hình ảnh giản dị ở quê nhà, như hình ảnh bà cụ già quang gánh tàu hủ đi bán.
Trên sân khấu Chân dung cuộc tình, Phương Dung sẽ cùng danh ca Thái Châu, Giao Linh thể hiện ca khúc Tình thắm duyên quê của nhạc sĩ Trúc Phương. Nữ danh ca trình diễn ca khúc này với tất cả niềm xúc cảm dành cho quê hương Gò Công qua giọng hát ngọt ngào, tình cảm. Chính tình yêu ấy khiến ca khúc trở nên ngọt ngào, rung động trái tim người nghe.
Danh ca Phương Dung - Thái Châu - Giao Linh thể hiện ca khúc Tình thắm duyên quê
Trong buổi trò chuyện cùng hai MC Quỳnh Hoa và Minh Đức, nam ca sĩ Vũ Phương cũng có những chia sẻ xúc động về nơi anh sinh ra, lớn lên là vùng đất Kiên Giang: “Nhà tôi khi đó đất vườn rộng, trồng tre, trúc nhiều. Ngày nay, mọi thứ hiện đại hóa, đường sá mở rộng, cây cối không còn. Những năm tháng ở Sài Gòn, dù được ăn nhiều món ngon, sang trọng nhưng tôi vẫn thích các loại mắm như mắm lóc, mắm sặc, cá khô ăn cùng dưa mắm... Có những món không quên được mùi vị, đặc biệt món canh chua miền Tây với vị chua, ngọt và cay”. Vũ Phương đến với âm nhạc từ khá sớm, khi vừa 5 tuổi đã tham gia vào ca đoàn để được hát. Những năm tháng trên ghế nhà trường anh tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ, đoàn hội. Năm 2005, Lê Vũ Phương rời quê lên thành phố vừa theo học ở trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn vừa đi hát ở các phòng trà. Anh chia sẻ nếu không lên Sài Gòn trở thành ca sĩ, có thể anh đã là thầy giáo dạy văn ở quê nhà.
Vũ Phương
Ca sĩ Xuân Nghi với giọng hát nội lực mạnh mẽ trên sân khấu nhưng ngoài đời, cô vẫn nguyên cái chất hồn nhiên, trẻ con của mình. Xuân Nghi sinh ra và lớn lên tại Trà Vinh trong một gia đình làm nông, không có ai theo nghề ca hát hay nghệ thuật: “Ngày bé, ba đi ruộng, tôi theo bắt cua, bắt ốc, một lần bị cua kẹp trúng tay khóc rất nhiều. Những lần tôi cùng bà nội xay gạo bằng cối đá thành bột để làm bánh. Tôi được gọi là 'Con Hai làm bánh' vì biết làm đủ loại bánh”. Xuân Nghi tiết lộ khả năng nấu ăn của cô được thừa hưởng từ sự khéo léo, đảm đang của mẹ và bà nội. Khi lên Sài Gòn, cô trải nghiệm nhiều món ngon nhưng thỉnh thoảng cô vẫn thèm rau muống luộc chấm chao. Cuộc sống hiện đại nhưng hồn quê vẫn luôn bên trong con người và Xuân Nghi không bao giờ giấu nguồn gốc của mình.
Cô nhớ lại: “Sau khi học phổ thông, tôi nuôi ý định đi theo con đường ca hát chuyên nghiệp, thi vào trường nhạc. Nếu năm 18 tuổi, tôi không lên Sài Gòn thì bây giờ đã 'cắp nách' 1-2 con. Năm lớp 12, ba gọi điện thoại lên nói rằng dưới quê có người làm mai cho tôi lấy chồng”.
Ca sĩ Thùy Trang
Khắc Minh
Nguyễn Kiều Oanh
Trong tập 16 Chân dung cuộc tình khán giả còn được lắng nghe những ca khúc nổi tiếng như: Gợi nhớ quê hương (Thùy Trang), Chờ người (Nguyễn Kiều Oanh), Chân quê (Vũ Phương), Sầu đông (Khắc Minh). Đặc biệt là ca khúc Cô Thắm về làng, sáng tác đã mang lại danh tiếng cho nhạc sĩ Giao Tiên từ hơn 40 năm trước, và góp phần làm nên tên tuổi của danh ca Thái Châu. Nhạc sĩ Giao Tiên cho biết nhân vật nổi tiếng “cô Thắm” không phải là người yêu mà là chị ruột của ông – người đã thay mặt cha mẹ nuôi ông ăn học. Bà tên Dương Thị Cưu, cái tên khó đưa vào bài hát nên ông lấy cái tên Thắm, viết tặng người chị ruột. Ca khúc sẽ được Như Thùy thể hiện trong chương trình.
Tập 16 sẽ được phát sóng vào 21h00 thứ tư ngày 20/10/2021 trên kênh THVL1.
Theo TTVN
No comments