Breaking News

Gia đình, đồng nghiệp tiễn biệt đạo diễn Lê Cung Bắc

Saovacuocsong - Nhạc sĩ Phạm Hữu Tâm, nghệ sĩ Thành Lộc... cùng gia đình đạo diễn Lê Cung Bắc tiễn biệt ông, chiều 15/6.

Do giãn cách xã hội, lễ tang diễn ra giản dị tại nhà riêng cố đạo diễn. Thành viên gia đình, khách viếng chỉ gần 20 người. Bà Bùi Thị Giang - vợ ông - nén đau thương lo hậu sự cho chồng. Thi thoảng, bà xếp lại nếp vải phủ linh cữu cho thẳng thớm, vuốt nhẹ khung hình thờ. Trong di ảnh, cố đạo diễn cười hồn hậu, mặc áo màu nâu đất, đội mũ vải - phong cách quen thuộc của ông lúc sinh thời.

Di ảnh nghệ sĩ Lê Cung Bắc. Ảnh: Quỳnh Trần.

Vợ nghệ sĩ cho biết ông mang trọng bệnh từ năm ngoái. Sau tám tháng trị bệnh lao và phổi, ông bị đau cột sống và bị tê hai chân dưới, sau đó, phát hiện bị ung thư phổi di căn vào cột sống. Trải bốn lần hóa trị, 10 tia xạ trị, nhiều đêm, ông phải ngủ ngồi vì khó thở. Bà Giang nói: "Không lúc nào bớt đau đớn nhưng anh vẫn cố gắng ăn uống vì sợ vợ con lo".

13h30, lễ cầu siêu diễn ra trong tiếng mưa nặng hạt. Một số khách viếng như nghệ sĩ Thành Lộc, nhạc sĩ Phạm Hữu Tâm, diễn viên Huỳnh Đông, đạo diễn Trần Vịnh... đứng bên hiên nhà chờ lần lượt vào viếng. Trước đó, ngày 14/6, Thành Lộc cũng đến thắp nén hương tiễn biệt đạo diễn. Anh mến mộ Lê Cung Bắc lúc ông còn là diễn viên đóng loạt tác phẩm của Hãng phim Giải Phóng, thích nét diễn biến hóa của đàn anh trong những vai phụ có tính cách gai góc, phức tạp. Sau này, khi Lê Cung Bắc chuyển sang làm phim, anh càng nể trọng phong cách chuyên nghiệp, tận tâm của ông.

Ông Phạm Hữu Tâm (trái) - nhạc sĩ ca khúc "Vùng trời bình yên" - bên nghệ sĩ Thành Lộc viếng nghệ sĩ Lê Cung Bắc vào chiều 15/6. Ảnh: Quỳnh Trần.

Thương Tín cũng là một trong những đồng nghiệp hiếm hoi đến viếng Lê Cung Bắc hôm 14/6. Rưng rưng nhìn di ảnh, tài tử nói bất ngờ vì bệnh tình đàn anh diễn tiến quá nhanh. Những ngày cuối đời, Lê Cung Bắc canh cánh về dự án cuối cùng - phim Giã từ cô đơn. Khi ông mất, phim vẫn hoãn làm hậu kỳ do dịch bệnh. Tác phẩm là dịp tái ngộ màn ảnh rộng của ông sau nhiều năm làm phim truyền hình, quy tụ các diễn viên Thương Tín, Hồng Ánh, Lê Chi Na, Bùi Bài Bình...

Năm 2019, khi quay Giã từ cô đơn cùng Lê Cung Bắc, Thương Tín ngưỡng mộ vì đạo diễn vẫn sang sảng chỉ đạo tổ quay, hậu đài trên phim trường. Gần đây, biết đàn anh nhiều lần ra vào bệnh viện, ông thầm mong phép màu sẽ đến với Lê Cung Bắc. Thương Tín và Lê Cung Bắc đóng cùng nhau từ thập niên 1980, khi cả hai mới bắt đầu sự nghiệp. Nhiều phim, nếu Thương Tín đóng chính, sẽ có mặt Lê Cung Bắc, như Vụ án hồ con Rùa, Cao nguyên F101, Sa bẫy... Trong ký ức của ông, cố nghệ sĩ khẳng khái, luôn dìu dắt đàn em dù hay nóng tính. Tài tử viết trong mẩu thư gửi người quá cố: "Anh vẫn sống mãi trong tâm tư em. Chúc anh được nhiều may mắn ở nơi xa".

Thương Tín đến viếng đàn anh thân thiết hôm 14/6. Ảnh: Quỳnh Trần.

Vì dịch bệnh, nhiều nghệ sĩ chọn cách tưởng niệm Lê Cung Bắc từ xa. Việt Trinh cho biết mang ơn ông từ lúc mới vào nghề. Lúc ấy, chị còn là diễn viên vô danh, đóng vai tì nữ trong một phim Lê Cung Bắc đóng vai vua, Diễm Hương làm công chúa. Đoạn diễn cảnh dâng rượu cho vua, vì quá run, chị đánh rơi chiếc bình quý - vốn là đạo cụ mượn của một chùa. Bị thiết kế mắng xối xả, chị cúi gằm mặt, khóc nức nở. Lê Cung Bắc là người đầu tiên bênh vực chị, nói với tổ sản xuất: "Vì sao không dặn trước đó là chiếc bình quý? Cô ấy còn chưa có kinh nghiệm".

Vài năm sau, khi Việt Trinh nổi lên với loạt phim thương mại, Lê Cung Bắc mời chị đóng vai Bạch Cúc của Người đẹp Tây Đô - phim dài tập đình đám của Hãng phim truyền hình TP HCM bấy giờ. Khi ấy, chị bị gắn mác "sao" vì thường xuyên đi trễ về sớm. Lãnh đạo hãng phim bắt chị ký cam kết tuân thủ giờ giấc, ông đứng ra bảo lãnh cho chị. Sau những cảnh Bạch Cúc bị ông hội đồng (nghệ sĩ Thành Trí) quật roi, thấy vết thương hằn lên da Việt Trinh, ông ôm chị động viên: "Vì phim, em cố gắng chịu nhé". Khi phim ra mắt, phân cảnh lấy nước mắt nhiều khán giả với nhiều lời khen "diễn viên đóng như thật".

Đóng phim cùng Lê Cung Bắc từ đầu thập niên 1990, nghệ sĩ Kim Xuân nói ấn tượng ở ông cách làm phim đầy giáo dục. Dù số phận nhân vật bi kịch đến đâu, ông vẫn tìm ra một lối thoát giàu nhân văn cho họ. Ông luôn cẩn trọng khi nhận xét về một diễn viên, đặc biệt là người trẻ, vì hiểu lời nói của mình có sức ảnh hưởng đến họ ra sao. Những năm cuối đời của ông, Kim Xuân thường cùng ông và đạo diễn Đào Bá Sơn làm giám khảo một số cuộc thi. Khi ấy, sức khỏe của ông đã xuống dốc. Những đến nhà thăm, nhìn ông bơ phờ trên giường bệnh mà vẫn gượng cười đón tiếp bạn hữu, lòng chị đau như cắt. "Một người từng xông pha khắp nơi làm phim, luôn ấp ủ ý tưởng mới cho nghề, nay chỉ nằm một chỗ bất lực. Tôi và anh Sơn ngồi một bên, vừa xoa bóp cho anh, vừa nghe anh kể về những điều mãi còn dang dở", chị nói.

Đạo diễn Lê Cung Bắc sinh năm 1946 tại Quảng Trị, từng học cao học Quản trị Kinh doanh ở Sài Gòn. Trước năm 1975, ông được đánh giá là một diễn viên kịch tài năng. Sau năm 1975, ông tham gia đoàn kịch nói Bông Hồng và chuyển sang hoạt động phim ảnh từ năm 1982.

Ở mảng diễn xuất, Lê Cung Bắc ghi dấu qua hàng chục vai phụ đắt giá. Khi phim thương mại nở rộ đầu 1990, ông thường được chọn những vai yêu cầu kỹ năng chín muồi. Có năm, ông dẫn đầu về số vai, góp mặt trong hàng loạt các phim như:Vị đắng tình yêu, Chuyện tình Mỵ Châu, Bà chúa cuối cùng, Hồi chuông màu da cam, Thăng Long đệ nhất kiếm... Ông không đóng khung với một dạng vai mà chọn những nhân vật có tâm lý phức tạp, từ một người chồng luôn nhẫn nhục vì gia đình, một bệnh nhân cùi mang tâm hồn vị tha, một người cha độc đoán vô tình khiến con gái gặp bất hạnh... Hai vai ông tâm đắc nhất sự nghiệp là Trí trong Con thú tật nguyền (đạo diễn Hồ Quang Minh) và vai lão cùi trong phim Dấu ấn của quỷ (đạo diễn Việt Linh).

Khi chuyển sang đạo diễn, ông gây tiếng vang với phim truyền hình Người đẹp Tây Đô - phim Việt Trinh đóng chính. Lê Cung Bắc từng đoạt các giải thưởng như: giải Đạo diễn phim nhựa đầu tay (1994, cho phim Nhịp đập trái tim), Huy chương vàng Liên hoan phim truyền hình toàn quốc (1996, phim Không thể rẽ trái), Huy chương bạc Liên hoan phim Truyền hình toàn quốc (2006 , phim Duyên phận)... Năm 2008, phim lịch sử Vó ngựa trời Nam của ông đoạt giải cao nhất tại tại Liên hoan phim truyền hình 2010 và Cánh diều. Ông được phong nghệ sĩ ưu tú năm 2011.

Theo TTVN

No comments