Breaking News

Rạp Việt lao đao vì Covid-19

Saovacuocsong - Không có doanh thu, các đơn vị phát hành phim vẫn phải trả chi phí vận hành cố định mỗi tháng.

Dịch Covid-19 lan nhanh toàn cầu, kéo theo nhiều hệ lụy về kinh tế, tài chính, đời sống... Theo Quartz, không ngành công nghiệp nào thiệt hại nhanh như giải trí. Các nhà phân tích ước tính phòng vé thế giới mất khoảng 5 tỷ USD vì các nhà hát đóng cửa ở Trung Quốc (thị trường phim lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ), Nhật Bản, Hàn Quốc, Italy và Pháp.

Rạp Việt cũng không nằm ngoài vòng xoáy ấy. Ông Khánh Nguyễn - đại diện truyền thông CGV Việt Nam - cho biết cả nước có hơn 210 cụm rạp, hầu hết đã đóng cửa. "Dù ngưng hoạt động, các công ty phân phối, phát hành phim vẫn phải trả tiền nhân công, mặt bằng, bảo trì hệ thống máy móc, vệ sinh, xịt khử khuẩn... Lệnh tạm dừng mọi hoạt động ở khu vui chơi, giải trí trên địa bàn TP HCM hôm 24/3 khiến CGV lẫn các đơn vị chiếu phim khác 'sập nguồn' hoàn toàn", ông nói.

Theo tổng kết từ các nhà phát hành, lượng vé bán ra trên cả nước trong tháng ba (tính đến ngày 25/3) là một triệu lượt, trong khi tháng 3/2019 đạt gần năm triệu vé. Tổng doanh thu cũng sụt giảm chưa từng có. Tháng ba năm ngoái thu về 350 tỷ, năm nay chỉ đạt 76 tỷ.

Các nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên lẫn ê-kíp sản xuất đối mặt nhiều nguy cơ khi rạp Việt đồng loạt đóng cửa. 

Ông Khánh Nguyễn cho hay: "Để ngừa dịch lây lan, Thủ tướng yêu cầu cách ly trên toàn quốc, không tập trung quá hai người nơi công cộng trong 15 ngày (từ 1/4). Chắc chắn lượng vé bán ra và doanh thu các cụm rạp tháng tư là số 0. Tình hình kéo dài dẫn đến nhiều bất cập. Các phim đã hoàn thành và bom tấn đã xác định ngày lên sóng đều 'đắp chiếu' chờ hết dịch".

Khác với nhiều ngành nghề, bạn không thể làm việc tại nhà khi quay phim, theo Quartz. Đạo diễn không thể làm việc, chỉ đạo diễn xuất diễn viên qua điện thoại, các chuyên gia make-up không thể livestream hướng dẫn lay-out trang điểm... Do tính chất toàn cầu của lĩnh vực điện ảnh, người trong ngành có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn. Nhà tạo mẫu phải chạm vào tóc, khuôn mặt diễn viên. Nghệ sĩ thường tiếp xúc gần và hôn bạn diễn. Nhân viên đoàn phim liên tục cầm, nắm các thiết bị giống nhau. 

Hiện một số nhà sản xuất, ê-kíp yêu cầu chuyên gia trang điểm, tạo mẫu tóc chỉ chạm vào nghệ sĩ khi mang găng tay và khẩu trang. Nếu diễn viên chính bị ốm, lịch trình sản xuất của đoàn phim có thể rơi vào hỗn loạn.

Các hoạt động truyền thông của CGV cũng trong tình trạng đóng băng.

Đại diện CGV cho biết không thể bán phim online, thu phí hàng tháng hoặc từng phim vì yêu cầu độc quyền của các studio. "Chúng tôi nhập phim từ các hãng lớn như Paramount Pictures, Warner Bros, Walt Disney Pictures, 20th Century Fox... Họ không muốn bom tấn do mình sản xuất chiếu online. Dù muốn, CGV cũng không thể dịch chuyển do ngành kinh doanh đặc thù. Các phim đã mua bản quyền và sắp chiếu như Fast & Furious 9 bắt buộc phải dời lại".

Trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, CGV nhận được sự hỗ trợ từ các đối tác. Chuỗi trung tâm thương mại giảm 20-30% hoặc miễn tiền thuê mặt bằng trong tháng hai, ba (nhưng vẫn phải nộp tiền phí dịch vụ). "Chúng tôi đang làm việc với các chủ đầu tư cho thuê mặt bằng để xin miễn giảm chi phí trong tháng 4 vì dịch cao điểm, người dân hạn chế ra đường khi không thực sự cần thiết".

CGV vẫn cố gắng đảm bảo vệ sinh an toàn cho ngày trở lại.

Ông Khánh cho hay các phim đã hoàn tất và bị hoãn chiếu tại tất cả cụm rạp sẽ kéo theo nhiều hệ lụy từ việc giảm doanh thu. Chi phí chi trả cho ê-kíp như đạo diễn, diễn viên, hậu cần... cũng bị ảnh hưởng theo. "Dù đóng cửa không hoạt động trong một tháng, CGV vẫn cố gắng không để nhân viên chịu thiệt thòi, từ lương đến phúc lợi", đại diện đơn vị nói.

Cuối tháng ba, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã ký tờ trình Chính phủ số 3540 về Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Lãnh đạo Bộ cũng ký công văn số 3530 xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Trong Dự thảo hoàn thiện trình Chính phủ, Bộ Tài chính đã bổ sung thêm một số nhóm đối tượng được gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Trong đó có lĩnh vực sáng tác, nghệ thuật và giải trí; thể thao; các vườn bách thảo và khu bảo tồn tự nhiên; khu vui chơi và công viên theo chủ đề; hoạt động chiếu phim. "CGV cũng như các nhà phát hành, phân phối phim khác mong dự thảo này được Chính phủ phê duyệt và hỗ trợ thời gian này", đại diện đơn vị nói..

Thi Quân

No comments