Breaking News

Danh ca Phương Dung nguyện kiếp sau được làm con của nhạc sĩ Mạnh Phát

Saovacuocsong - Danh ca Phương Dung bày tỏ ý nguyện kiếp sau được làm con của cố nhạc sĩ Mạnh Phát để trả mối nợ ân tình.

Nếu kể đến những giọng ca huyền thoại đã đi vào lịch sử tân nhạc Việt Nam, chắc chắn không thể thiếu danh ca Phương Dung. Chất giọng cao và lảnh lót của cô được giới thiệu đến công chúng từ cuối thập niên 50, khi Phương Dung còn là một cô bé 13, 14 tuổi.


Ít người biết trước đây, danh ca Phương Dung từng thể hiện nhiều ca khúc của nhạc sĩ Văn Cao như Thiên thai, Trương Chi, Đàn chim Việt, Suối mơ, Buồn tàn thu... Tuy nhiên chỉ khi chuyển sang thể loại Bolero với những ca khúc như Chuyện tình Lan và Điệp, Hai kỷ niệm một chuyến đi, Hoa nở về đêm... tên tuổi của Phương Dung mới được công chúng biết đến rộng rãi.

Phương Dung: "Nếu có kiếp lai sinh, tôi muốn làm con của nhạc sĩ Mạnh Phát"

Trong chương trình Người Kể Chuyện Tình chủ đề Nhạc sĩ Mạnh Phát, danh ca Phương Dung đã xúc động mạnh và bật khóc nức nở. Nữ danh ca cho biết cố nhạc sĩ Mạnh Phát là ân nhân lớn nhất trong cuộc đời ca hát của mình. Cô nghẹn ngào cho rằng bản thân rất có phước khi gặp được người thương mến và sáng tác cho mình những ca khúc hay để đi vào trái tim của những người yêu nhạc. Cô nức nở: "Nếu thật sự có kiếp lai sinh, tôi muốn làm con của nhạc sĩ Mạnh Phát để đáp trả lại ân tình của ông".


Trong những ca khúc Phương Dung từng thể hiện, cô cho biết sáng tác của nhạc sĩ Mạnh Phát là phù hợp với chất giọng của mình nhất. Bởi ông đã “đo ni đóng giày”, nương theo chất giọng của cô, từ đó cho ra đời những nhạc phẩm bất hủ như Nỗi buồn gác trọ, Qua xóm nhỏ, Nhớ mùa hoa tím, Hoa nở về đêm, Sương lạnh chiều đông, Phố vắng em rồi...


Chia sẻ về cơ duyên gặp gỡ nhạc sĩ Mạnh Phát, nữ danh ca cho biết cô cũng mang ơn nhạc sĩ Huỳnh Anh khi ông là người giới thiệu và gửi gắm cô cho nhạc sĩ Mạnh Phát. Cô nhớ như in lời nói của nhạc sĩ Huỳnh Anh: “Có một con bé còn rất nhỏ tuổi nhưng giọng hát và nội lực rất tốt. Anh có bài nào đưa cho nó, giúp nó được hay không?” khi đó nữ danh ca chỉ vừa mới 14 tuổi. Từ đó nhạc sĩ Mạnh Phát giao cho cô rất nhiều ca khúc và đích thân ông đến nhà tập cho cô hát sao cho thật hay. Trên bước đường ca hát của mình, Phương Dung còn biết ơn nhạc sĩ Vân Quang dạy hát, từng cách luyến láy, nhịp nhàng, ngắt câu... Nhạc sĩ Vân Quang còn dặn dò cô phải tiếp tục đi học vì nếu mình hát hay nhưng thiếu kiến thức thì vẫn bị người đời xem thường.

Vào năm 1962, khi nhạc phẩm Nỗi buồn gác trọ ra đời thì tên tuổi Phương Dung thật sự vụt sáng, nhất là khi nhạc phẩm này được đưa vào cuốn phim "Saigon By Night". Công chúng đón nhận ca khúc rất nhiệt liệt. Người ta đã bán được rất nhiều tờ in lời bài hát này. Sau thành công của Nỗi buồn gác trọ và Sương lạnh chiều đông, Phương Dung được ký giả, soạn giả Kiên Giang, nghệ danh Hà Huy Hà ưu ái viết bài báo, tặng cho cô biệt danh "Nhạn trắng Gò Công".


Ý nghĩa của biệt danh này một phần bắt nguồn từ việc cô thường xuyên trình diễn trong tà áo dài trắng tinh khôi. Nữ danh ca cho biết đó là vinh hạnh lớn của cô bởi từ trước đến nay không có nghệ sĩ nào được sở hữu biệt danh gắn liền với quê hương, nơi mình sinh ra.

Từ giữa thập niên 60, Phương Dung trở thành một trong những giọng ca được mến mộ nhất với dòng nhạc Bolero. Từ quê ra tỉnh, " Nhạn Trắng Gò Công" với tiếng hát đặc biệt đã chinh phục đông đảo khán thính giả. Riêng tại Sài Gòn, từ năm 1995 đến 1997, Phương Dung cộng tác mỗi đêm với 7 tụ điểm ca nhạc đình đám. Đó là một thành tích hiếm có ca sĩ nào đạt được. Phương Dung cũng nằm trong số những nữ ca sĩ quen thuộc của các chương trình đại nhạc hội. Cô còn thường xuyên xuất hiện trong những chương trình truyền hình, chương trình phát thanh.

Danh ca Phương Dung giải thích lý do bật khóc trong tiết mục của Hồng Gấm

Chương trình Người Kể Chuyện Tình đã tái hiện lại hình ảnh cô bé Phương Dung 11 tuổi đến khi trở thành một thiếu nữ chập chững bước vào con đường nghệ thuật. Ca sĩ Hồng Gấm mặc một tà áo dài trắng, để mái tóc đen suôn mượt và trình diễn ca khúc Sương lạnh chiều đông gợi nhắc đến hình ảnh danh ca Phương Dung thời trẻ. Tiết mục khiến nữ giám khảo xúc động mạnh và bật khóc nức nở.


Nhìn thấy những tài năng trẻ của Người Kể Chuyện Tình, nữ danh ca nhớ lại kỷ niệm được nhạc sĩ Mạnh Phát gửi gắm “đàn em” Thanh Tuyền cho Phương Dung lúc cô mới từ Đà Lạt vào Sài Gòn. Phương Dung cho biết nhạc sĩ rất trân trọng thế hệ tiếp nối và luôn tìm cách giúp họ phát huy hết khả năng của mình, trong đó còn có cả cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Ngoài việc sáng tác các ca khúc hợp với chất giọng của họ, ông còn gửi gắm họ cho các ký giả, hãng đĩa. Nữ danh ca thán phục tài năng và nhân cách của nhạc sĩ Mạnh Phát khi ông giúp đỡ những tài năng trẻ một cách vô tư, không vụ lợi.

Danh ca Phương Dung và lời răn dạy của mẹ khi chọn nghiệp cầm ca

Vào đầu thập niên 60, Phương Dung nhận được bức thư vô cùng quan trọng gửi từ “Cô Sáu” Lê Ngọc Liên - chủ hãng đĩa Việt Nam, mời thu đĩa nhạc qua lời giới thiệu của nhạc sĩ Mạnh Phát và Huỳnh Anh. Cầm bức thư đó mà Phương Dung mừng như trúng số độc đắc. Cô rưng rưng nói với mẹ: “Mẹ ơi, con thành công rồi. Thu đĩa là cả một cơ hội vàng mà những người đi hát không phải ai cũng có”.


Phương Dung cho biết từ đầu, mẹ cô không hề nghiêm cấm, ngăn cản con gái theo đuổi nghệ thuật. Duy chỉ có một lời răn dạy của mẹ mà Phương Dung luôn khắc sâu trong lòng: "Có tài thì rất quý nhưng có đức thì càng quý hơn. Con đừng bao giờ lạm dụng hay phụ lòng những người giúp đỡ mình".


Kết thúc chương trình, danh ca Phương Dung cho biết nhạc sĩ Mạnh Phát vừa là người ơn vừa là người thầy và những kỷ niệm đầy ắp với những người đã giúp đỡ cô trên con đường ca hát mà cô sẽ không bao giờ quên. Danh ca Phương Dung cảm ơn Người Kể Chuyện Tình và các thí sinh đã cho cô cơ hội nhìn lại một thời ký ức tươi đẹp của mình.

P.V

No comments