Breaking News

Long Nhật hóa " Trai quê Gò Công" trong dự án âm nhạc cùng James Media

Saovacuocsong - Đây là dự án âm nhạc “Long Nhật 30 năm dòng nhạc Gò Công trở lại” do Long Nhật và JAMES MEDIA thực hiện. Trong dự án này, Long Nhật sẽ hát những ca khúc thuộc dòng nhạc Gò Công của các nhạc sĩ Nguyễn Bá Nghiêm, Quốc Dũng, Vũ Hoàng, Đỗ Chí Thiện… nhưng phần lớn trong số đó vẫn là các tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Phương. Đây là những bài hát nằm trong cuộc băng cát set thuộc dòng nhạc Gò Công từng được nhạc sĩ Bảo Yến trình diễn rất thành công.


Những bài hát như: Me Gò Công, Chiều hè trên biển , Chuyện tình hoa muống biển , Chiều hạ vàng, Thương một người ở xa, Cánh diều kỷ niệm , Chung vầng trăng đợi, Nhớ mẹ, Gò Công hồng trang sử, Chiều xuân qua thị trấn Gò Công, Chiều hạ vàng, Hương Thầm… là những bài hát đã trở thành huyền thoại, ghi dấu ấn một thời khiến công chúng nhớ mãi cho đến tận hôm nay với tên gọi “băng nhạc Gò Công”.

Những bài hát trong dòng nhạc Gò Công xưa được Long Nhật tái hiện trên sân khấu một cách sắc nét, sống động đến nao lòng người xem.

Điểm đặc biệt của dự án này chính là phần bối cảnh về một Gò Công xưa được tái hiện nguyên bản trên sân khấu vô cùng hoành tráng và sinh động với thị trấn Gò Công xưa, bến sông, bãi biển Gò Công, làng chài Gò Công, trung tâm chợ huyện, trung tâm thị trấn với những ô cửa sổ bằng gỗ đậm chất miền sông nước.


Bối cạnh đậm chất miền sông nước khiến khán giả dễ hòa mình vào không gian của từng bài hát.

Dưới sự hỗ trợ của ê kip Võ Thế Độ, giám đốc sản xuất Vương Bảo Tuấn, Long Nhật đã phần nào tái hiện lại một cách chân thật, sắc nét về những gì của vùng đất Gò Công trong quá khứ thông qua những tác phẩm vang bóng một thời. Trên sân khấu có gánh hàng rong của bà mẹ quê, có những bó rau vừa cắt ở vườn mang ra chợ bán, có con đò, bến nước và có cả những không gian sống quen thuộc của bà con đồng bằng năm xưa… tất cả hiện lên một cách nguyên vẹn khiến mọi thế hệ người Việt đều cảm thấy xao xuyến và bồi hồi về quá khứ năm nào.



Trong live show lần này, Long Nhật đã đích thân mời con gái nuôi của mình là nữ ca sĩ Trúc Chi bolero cùng song ca hai bài hát là Chung một dòng sôngPhút ban đầu. Cả hai đã thể hiện được âm hưởng những câu hò, điệu lý đậm đà bản sắc văn hóa phương nam bên cạnh nền nhạc quen thuộc.

Trong dự án lần này Long Nhật đầu tư siêu khủng với số tiền lên đến 1 tỷ đồng bao gồm âm thanh siêu hiện đại, hệ thống hình ảnh tư liệu bằng màn hình led cỡ lớn, dàn nhạc cụ cũng được huy động tối đa với dàn nhạc dây (nhạc giao hưởng), dàn nhạc cụ dân tộc và dàn nhạc điện tử nhằm đem đến một cảm xúc phong phú và đa chiều cho người nghe. 


Long Nhật cùng ca sĩ Vương Bảo Tuấn và Trúc Chi.

Có thể nói, mặc dù không phải là người con của miền Nam nhưng Long Nhật đã thể hiện khá “ngọt” từng ca khúc trong dự án “Long Nhật 30 năm dòng nhạc Gò Công trở lại”, đặc biệt nhất chính là chi tiết khi anh hát phát âm theo kiểu miền Nam nhưng lúc luyến láy lại sinh động theo kiểu Huế. Điều đó tạo cho những ca khúc một cái nhìn mới lạ, một sắc thái nhẹ hàng, sâu lắng nhưng cũng vô cùng hùng dũng.


Phần bài hát được hòa âm phối khí lại vô cùng mới mẻ, hay và hoành tráng, dễ nghe nhưng vẫn giữ nguyên được linh hồn, cốt cách của bài hát đã đi qua bao thế hệ người Việt. Với vũ đoàn Gió Việt trên 30 vũ công, Long Nhật quyết định đầu tư phục trang là những bộ áo bà ba, áo dài khăn đóng nam bộ cùng với các loại đạo cụ đặc trưng như thuyền, thúng, nón lá…. Những món đạo cụ, trang phục này đều được đặt riêng và mua sử dụng cho dự án lần này.



Đạo cụ và phục trang được đầu tư bài bản, công phu tạo ra một không gian vô cùng sống động.

Đặc biệt nhất có thể kể đến trong dự án “Long Nhật 30 năm dòng nhạc Gò Công trở lại” lần này chính là phần dẫn truyền của NSƯT Trịnh Kim Chi và nghệ sĩ La Thoại Phi. Cách dẫn truyền cảm, tự nhiên và dạt dào cảm xúc của hai khách mời đặc biệt đã dẫn dắt cảm xúc của người xem, người nghe một cách tự nhiên nhất. Hai nhân vật này sẽ kết nối mạch cảm xúc của khán giả, đưa họ vào từng câu chuyện, trải nghiệm những cảm giác sinh động xoay quanh từng câu chuyện, chủ đề của bài hát.


Sự xuất hiện của các khách mời đặc biệt với màn dẫn truyện xúc động, tạo cảm xúc cho người xem.

Cũng trong dịp này ê kip dự án “Long Nhật 30 năm dòng nhạc Gò Công trở lại” của Long Nhật cũng có cơ hội về vùng đất Gò Công hôm nay để thăm và thực hiện các thước phim tư liệu, gửi vào trong từng tác phẩm trên sân khấu để khán giả có thể hình dung về một Gò Công năm nào trong tiềm thức. 

Trong chuyến đi, cả ê kip đã tìm được chợ Gò Công, những địa danh ngày xưa và đặc biệt là cửa hàng nhỏ sửa đồng hồ và hai tiệm vàng của nhạc sĩ Hoàng Phương – nơi nung nấu cho ông những ý niệm, cảm xúc và chất thơ để tạo nên những tác phẩm vang bóng một thời. Thăm được tượng đài của Trương Định – một người con của quê hương Gò Công. 


Đoàn cũng đi thăm những địa danh lịch sử gắn liền với quê hương Gò Công.

Tại đây, cả ê kip cũng may mắn gặp được nhạc sĩ Hoàng Tùng, con trai lớn của nhạc sĩ Hoàng Phương và được đưa đi thăm mộ ông. Đoàn còn được thăm nhà tổ của nhạc sĩ Hoàng Phuơng, được xem cây đàn ghi - ta cũ của ông. Với cây đàn này nhạc sĩ Hoàng Phương đã viết hơn 100 ca khúc để đời. Long Nhật còn may mắn được cầm trên tay 100 văn bản cũ ngã màu thời gian các bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Phuơng vang bóng một thời. Các văn bản với 5 dòng kẻ nhạc , nốt nhạc và ca từ được kẻ và viết bằng tay với bút mực và bút bi của nhạc sĩ Hoàng Phương ... 


Mỗi một bài hát sẽ là từng cách dẫn truyện khác nhau, từng chủ đề khác nhau và bối cảnh xuất hiện trên sân khấu cùng những thước phim tư liệu khác nhau… được lồng ghép một cách trực quan, nhẹ nhàng và tự nhiên trong từng bài hát thể hiện. Trong dự án lần này, điều Long Nhật tâm đắc nhất chính là những thước phim tư liệu quý sẽ được cung cấp cho khán giả, giúp họ hình dung về những trang sự hào hùng của dân tộc. 


Điều quan trọng hơn cả khi thực hiện dự án “Long Nhật 30 năm dòng nhạc Gò Công trở lại” Long Nhật mong muốn tri ân những anh hùng, những thế hệ cha ông đã dựng nước và giữ nước. Đặc biệt, nam ca sĩ gốc Huế muốn một lần được góp công sức mình bảo tồn nét văn hóa phương Nam, tôn tạo và gầy dựng lại dòng nhạc Gò Công vốn đã gần như bị thất truyền và quên lãng trước công chúng.

P.V

No comments